Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

KHỞI NGHĨA NAM KỲ NĂM 1940 Ở HÓC MÔN

KHỞI NGHĨA NAM KỲ NĂM 1940 Ở HÓC MÔN
  
             Hóc Môn, Bà Điểm, 18 thôn vườn trầu – vùng nông thôn ngoại thành nên thơ, đẹp như tranh vẽ của Sài Gòn – Thành Phố Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử cận hiện đại của dân tộc, bằng tấm lòng yêu nước và cách mạng của nhân dân và bằng những phong trào đấu tranh bất khuất chống áp bức xâm lược của ngoại bang. Tháng 9 năm 1939, chiến tranh thế giới lần thứ 2 bùng nổ, thực dân Pháp ở Đông Dương đi vào con đường phát xít hóa, thẳng tay đàn áp khốc liệt phong trào cách mạng do Đảng ta lãnh đạo. Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ sáu họp tại Bà Điểm đã nhận định tình hình và đề ra chủ trương mới, nhấn mạnh nhiệm vụ giải phòng dân tộc là hàng đầu của cách mạng Đông Dương, tập trung lực lượng chống đế quốc và tay sai, lôi kéo những phần tử tiến bộ trong giai cấp địa chủ, mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương. Hội nghị đề ra hình thức đấu tranh: “ Bước tới bạo động làm cách mạng giải phóng dân tộc, song phải hết tránh những cuộc đấu tranh non, đấu tranh vô phương pháp, vô chuẩn bị”.
Tháng 6 năm 1940, chính quyền Pháp đầu hàng phát xít Đức, phản bội quyền lợi của nước Pháp. Ngày 20 tháng 6 năm 1940, hàng ngàn quần chúng  SàiGòn – Gia Định cùng binh sĩ yêu nước biểu tình đả đảo phát xít, đả đảo chính phủ Pháp phản bội lại quyền lợi dân tộc Pháp và các dân tộc thuộc địa. Hoảng sợ trước khí thế đấu tranh của nhân dân ta, thực dân Pháp tăng cường đàn áp khủng bố, lục soát trụ sở Trung ương Đảng, Thành ủy, bắt bớ giam cầm những Đảng viên Cộng sản và những người yêu nước. Các đồng chí đã bị giặc bắt như: Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ , Lê Duẩn, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hữu Tiến…. Bên cạnh đó, tình hình sản xuất đình đốn, thất nghiệp gia tăng, giá cả tăng vọt, thuế má chồng chất, đời sống các tầng lớp nhân dân rất cơ cực, bầu không khí chính trị xã hội khắp nơi rất căng thẳng. Đảng viên và quần chúng đều mong mỏi nhân cơ hội này nổi dậy giải phóng đất nước.
Trước tình hình đó, tháng 7 năm 1940, Xứ ủy Nam kỳ họp mở rộng tại xã Tân Hương, Huyện Châu Thành, Tỉnh Mỹ Tho. Hội nghị Tân Huơng đã chủ trương khởi nghiã, cho thành lập các ban quân sự các cấp, cử đồng chí Tạ Uyên làm Bí thư Xứ ủy (thay đồng chí Võ Văn Tần bị địch bắt) và cử đồng chí Phan Đăng Lưu ra Trung ương xin chỉ thị về chủ trương khởi nghiã. Thi hành Nghị quyết của Hội nghị Tân Hương, Tỉnh ủy Gia Định do đồng chí Lê Văn Khương, Thường vụ Xứ ủy kiêm Bí thư Gia Định  đã chỉ thị cho các quận, tổng thành lập các Ban quân sự, tổ chức các đội vũ trang, rèn sắm vũ khí, tập luyện võ nghệ, chuẩn bị cho khởi nghiã. Nghị quyết khởi nghiã của Xứ ủy đã làm nức lòng nhân dân Nam bộ, khắp nơi từ thành thị cho đến nông thôn, không khí chuẩn bị vô cùng sôi nổi. Ở nội thành SàiGòn, công nhân các nhà máy Bason, Fasi, bến tàu Khánh Hội, nhà đèn Chợ Quán, Trường Bá nghệ …. đều tổ chức các đội tự vệ sẵn sàng khởi nghiã. Ở nông thôn, trên các cánh đồng, vườn cây, bãi trống, các tổ chức công, nông, thanh, phụ, các tổ chức du kích tập luyện quân sự, rèn sắm vũ khí chuẩn bị  khởi nghiã, có nơi gần như công khai.
  
Tháng 9 năm 1940, Phát xít Nhật đánh vào Lạng Sơn, quân Pháp đầu hàng Nhật. Trước tình hình ấy, Xứ ủy Nam kỳ triệu tập hội nghị ở làng Xuân Thới Đông, quận Hóc Môn. Hội nghị đánh giá địch có nhiều khó khăn, lung lay và hỗn độn, ta thì tổ chức chưa thật củng cố, phong trào chưa đủ mạnh . Nhưng Pháp – Nhật đang đánh nhau nên cho rằng thời cơ đã đến, đặc biệt là tinh thần quần chúng sôi sục đòi hỏi khởi nghiã. Hội nghị đã quyết định tích cực chuẩn bị khởi nghiã và trao cho Thường vụ xứ ủy quyền ra lệnh khởi nghiã sớm mà không chờ ý kiến của Trung ương .
Ngày 20 -11-1940, Thường vụ Xứ ủy ra lệnh khởi nghiã vào đêm 22 -11-1940, lệnh đã được gởi đi các tỉnh trong toàn xứ thì trưa ngày 22/11/1940, đồng chí Phan Đăng Lưu ở Bắc vào mang chỉ thị của Trung ương hoãn cuộc khởi nghiã nhưng lệnh khởi nghiã đã xuống đến cơ sở rồi không thể lấy lại được nữa, nên cuộc khởi nghiã Nam kỳ đã nổ ra. Nhưng cuộc khởi nghiã đã bị lộ, trong ngày 22-11-1940, lãnh đạo Xứ ủy, Thành uỷ các đồng chí Tạ Uyên, Nguyễn Như Hạnh ( Bí thư Thành uỷ), Phan Đăng Lưu … đã bị địch bắt, hàng ngàn lính tập người Việt ở trại lính thành Ô Ma bị tước vũ khí và nhốt vào trại, lính Pháp và lê dương trang bị đại bác, xe tăng  tăng cường bố, phòng các con đường lớn, bảo vệ các công sở,  trật tự an ninh được chúng xiết chặt nghiêm ngặt, bọn mật thám và cảnh sát đi lùng sục bắt bớ những người tình nghi. Tại tỉnh Gia Định, Chợ Lớn và các vùng xung quanh Thành phố, đêm 22-11-1940, nhân dân ta vẫn tiến hành khởi nghiã vì không bắt được liên lạc với Thành uỷ và Xứ uỷ. Tại các quận của tỉnh Gia Định, cuộc khởi nghiã đã tiến hành từ sau chiều tối. Quận Gò Vấp tiếp cận Thành phố, nghĩa quân đã tấn công các đồn bót địch ở Lăng Cha Cả, bót Vườn Tiêu, bót Ngã Năm Vĩnh Lộc và bót Phú Lâm…
Trước sức mạnh của nhân dân khởi nghiã, địch ở các đồn đầu hàng hoặc bỏ chạy. Một số nơi chờ súng lệnh nổ theo kế hoạch khởi nghiã nhưng không có nên không khởi nghiã. Quận Hóc Môn huy động được một lực lượng lớn quần chúng tham gia khởi nghiã, cùng lực lượng nghiã quân 4 tổng Long Tuy Thượng, Long Tuy Hạ, Long Tuy Trung và Bình Thạnh Trung, chia thành 4 mũi tấn công áp sát vào dinh lũy tên quận trưởng Hóc Môn, có hai trong đội lính khố xanh bảo vệ, hạ các bót và trừ tề ở các làng, phá hoại cầu cống, đường giao thông các địa phương để ngăn địch chi viện, kế hoạch nổ súng vào đồn Hóc Môn vẫn chờ pháo lệnh chung của Thành Phố. Đồn Hóc Môn rất kiên cố, xây bằng đá xanh cao khoảng 15 đến 16 mét, có ụ súng và lỗ châu mai do một trung đội lính khố xanh trấn giữ. Đồn xây từ sau cuộc khởi nghiã 18 Thôn Vườn Trầu năm 1885, như một pháo đài vững chắc. Ngày 22/11/1940, Pháp tăng cường thêm một trung đội để đối phó với các cuộc tấn công của nghiã quân mà ta không nắm được.
Bốn cánh quân của 4 tổng kéo về trung tâm quận lỵ Hóc Môn với khí thế hừng hực, đã tiêu diệt, đánh phá các đồn bót , đình làng trên đường đi và trừng trị những tên Hội tề, Việt gian theo Pháp, tập trung về công đồn Hóc Môn. Đến 24 giờ đêm ngày 22/11/1940 vẫn chưa nghe tiếng pháo lệnh ở SàiGòn, Ban lãnh đạo khởi nghiã quyết định tấn công. Lập tức nghiã quân ồ ạt tiến lên xông vào đồn như nước vỡ bờ, cờ đỏ búa liềm đã xuất hiện trước sân đồn để cổ động tinh thần các nghiã quân. Bọn lính trong đồn lớp chết, lớp chạy trốn, lớp đầu hàng nghiã quân, chỉ còn một tốp lính ngoan cố do một tên đội chỉ huy bảo vệ tên quận trưởng Bùi Ngọc Thọ, rút lên lầu cao, bịt cửa cầu thang, cố sức chống trả và điện kêu cứu về SàiGòn, Gia Định và Thủ Dầu Một. Nghiã quân anh dũng chiến đấu, lớp này hy sinh lớp khác tiến lên, tuy nghiã quân đã làm chủ thị trấn và toàn quận Hóc Môn, song vẫn chưa dứt điểm được đồn Hóc Môn và cuộc quyết chiến kéo dài gần đến sáng với bất lợi nghiêng về phía nghiã quân. Nghiã quân phải rút lui khỏi thị trấn, phân tán về các làng, số lực lượng vũ trang thì rút về ấp Bến Đò, làng Tân Phú rồi băng bưng sang đóng quân tại ấp Giồng Ông Hoà (làng Mỹ Hạnh, quận Đức Hòa).
Khoảng 4 giờ sáng ngày 23/11/1940, thực dân Pháp cho hai đội quân từ Thủ Dầu Một và Gia Định đến giải vây cho Hóc Môn, quân Pháp chia ra nhiều ngã, nổ súng tiến vào thị trấn giải vây cho tên quận Thọ và bọn lính còn lại trong đồn. Ngày hôm đó Hóc Môn bãi thị, không ai ra đường, xe cộ ngừng hoạt động, các hiệu buôn, nhà dân đóng cửa. Cuộc tấn công đồn Hóc Môn tuy thất bại, nhưng đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân về sự dũng cảm kiên cường của các chiến sĩ cộng sản và sức mạnh vô biên của quần chúng yêu nước, những bài học về chuẩn bị lực lượng tổ chức khởi nghiã, khả năng lãnh đạo chỉ huy và trên hết là khả năng khởi nghiã đánh đuổi quân xâm lược giành chính quyền về tay nhân dân.
Sau khi khởi nghiã thất bại, thực dân Pháp đã tiến hành những cuộc khủng bố trắng dã man tàn bạo nhất, chúng lùng sục khắp xóm làng bắt các chiến sĩ cộng sản và những người yêu nước, hành quân bố ráp, đốt nhà, hãm hiếp phụ nữ và giết chóc vô tội vạ khắp các thôn xóm; bọn lính làng được dịp hống hách, đe dọa, tống tiền và trả thù những người yêu nước. Tại Hóc Môn chúng dựng 3 trường bắn để xử tử những người yêu nước cách mạng tại: một ở cạnh Rạp hát cũ thị trấn Hóc môn, giặc xử bắn đồng chí Phạm Văn Sáng (Bí thư Quận ủy), Đặng Công Bỉnh (Tổng chỉ huy các cánh quân); một cạnh giếng nước sau Bệnh viện Hóc Môn, giặc xử bắn công khai các đồng chí Hà Huy tập, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hữu Tiến ( Hải Đông), và một ở Ngã Ba Giồng Bằng lăng, làng Xuân Thới Tây (nay là Xuân Thới Thượng), giặc xử bắn bí mật đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu và nhiều đồng bào, đồng chí khác đã anh dũng hy sinh.
        Các đồng chí chết đi, song khí tiết anh hùng và tiếng vang chính nghiã của Khởi nghiã Nam Kỳ sống mãi, chẳng những đối với nhân dân Hóc Môn- Bà Điểm, 18 Thôn Vườn Trầu, mà còn với nhân dân Nam bộ và cả nước nói chung. Cuộc Khởi nghiã Nam Kỳ trở thành một nguồn nội lực thôi thúc nhân dân quyết chiến quyết thắng, đánh đuổi quân xâm lược giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam.
                                                                                                                     KIM HÂN
 ( Ghi theo Lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Hóc Môn)  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét