Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

Khởi nghĩa Nam kỳ: Buổi bình minh cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm

Ngày 1/9/1939, phát xít Đức tấn công Ba Lan - chính thức mở màn cuộc chiến tranh thế giới thứ hai. Trong tình hình ấy, Chính phủ Pháp lại thực hiện chính sách chống Đảng Cộng sản Pháp, cùng các phong trào dân chủ, tiến bộ chống phát xít tại nước Pháp. 
Ở Đông Dương, chính quyền phản động thuộc địa cũng thừa cơ thi hành chính sách khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng, mà trước hết tiêu diệt Đảng cộng sản.
Ngày 28/9/1939, toàn quyền Đông Dương Catroux  ra nghị định cấm mọi hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp tuyên truyền cộng sản, cấm lưu hành, tàng trữ mọi tài liệu của cộng sản, giải tán các hội ái hữu, nghiệp đoàn, tịch thu tài sản của các tổ chức đó, hàng loạt báo chí - kể cả báo chí cách mạng và báo chí tiến bộ ở khắp 3 miền đều bị đóng cửa. Hàng ngàn người yêu nước, người cộng sản bị bắt giam tại các trại tập trung trong đất liền, phần đông bị đày ra Côn Đảo, Madagascar.
 
 Nhân dân Bà Điểm (Hóc Môn) đồng loạt sẵn sàng cho ngày khởi nghĩa Nam Kỳ.   Ảnh tư liệu
Mặt khác, đầu tháng 9/1939, tướng Catroux ra lệnh tổng động viên nhằm cung cấp cho "mẫu quốc" tiềm lực quân sự tối đa và nguồn nhân lực khác, các sản phẩm và nguyên liệu... Chỉ sau mấy tháng trong chiến tranh, trên 80.000 thanh niên Việt Nam bị đưa sang Pháp. Riêng ở Nam Kỳ, đợt tăng viện lần thứ hai trong năm 1940, chúng đưa gần 8.000 thanh niên sang Pháp.
Chính quyền phản động thuộc địa thẳng tay vơ vét vàng bạc của cải, phát hành thêm bạc giấy, kiểm soát gắt gao sản xuất và phân phối, ấn định giá cả một cách độc đoán. Chúng tăng mức thuế cũ và đặt ra nhiều loại thuế mới, tiến hành lạc quyên, xổ số, phát hành công trái. Đồng thời sa thải công nhân viên chức, tăng giờ làm, giảm tiền lương.
Ở châu Âu, giữa năm 1940, phát xít Đức lần lượt chiếm Na Uy, Đan Mạch, sau đó huy động 135 sư đoàn tràn qua Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, tấn công nước Pháp. Ngày 22/6/1940, Chính phủ Pháp đầu hàng. Ở Đông Dương, Đô đốc Decoux thay tướng Catroux làm toàn quyền. Decoux càng gia tăng biện pháp cai trị phản động.
Chiến tranh thế giới thứ hai là một thử thách lớn đối với nhân dân, nhưng nó không bất ngờ với Đảng cộng sản Đông Dương. Nhờ chủ động, sau hai tháng chiến tranh bùng nổ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp hội nghị lần thứ sáu tại Bà Điểm (Hóc Môn). 
Hội nghị phân tích sâu sắc tính chất của cuộc chiến tranh thế giới thứ hai và vị trí của Đông Dương trong cuộc chiến tranh đó; những chính sách của đế quốc Pháp, thái độ của các giai cấp, xã hội và vạch ra đường lối chính trị của Việt Nam trong thời kỳ mới.
Để tập trung mọi lực lượng vào nhiệm vụ chủ yếu chống chiến tranh đế quốc và ách thống trị của phát xít thuộc địa, hội nghị chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận dân chủ; thay khẩu hiệu ruộng đất bằng chính sách ruộng đất mới: Tịch thu ruộng đất của đế quốc và những địa chủ phản bội quyền lợi của dân tộc, thay khẩu hiệu lập chính quyền Xô Viết công - nông bằng khẩu hiệu lập Chính phủ liên bang, cộng hòa dân chủ Đông Dương. Đó là nội dung chuyển hướng chỉ đạo chiến lược quan trọng của Đảng.
Khi chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra, trước chính sách khủng bố và bóc lột cùng kiệt nhân dân, Xứ ủy Nam Kỳ đã soạn thảo đề cương khởi nghĩa vũ trang, với tên "Đề cương khởi nghĩa Nam Kỳ". Bản đề cương này được đưa ra thảo luận, tranh luận ở các cuộc hội nghị của xứ ủy. Đặc biệt, tại hội nghị toàn xứ ủy từ 21-27/7/1940 chủ trương khởi nghĩa Nam Kỳ bằng vũ trang mới được quyết định. Tháng 9/1940, đồng chí Phan Đăng Lưu ra miền Trung và miền Bắc bàn với hai đảng bộ này để phối hợp hành động.
Giữa lúc đó, phát xít Nhật ép Pháp phải đóng cửa biên giới Việt - Trung, đòi Pháp để cho quân đội Nhật vào Đông Dương, sử dụng các sân bay để tiến hành tấn công miền Nam Trung Quốc và đặt nền kinh tế Đông Dương phụ thuộc nền kinh tế Nhật. Ngày 23/9/1940, quân Nhật vượt biên giới Bắc Kỳ đánh chiếm Lạng Sơn, ném bom Hải Phòng - đổ bộ lên Đồ Sơn. Đồng thời, phát xít Nhật xúi giục bọn quân phiệt Thái Lan (Xiêm) tấn công biên giới Cao Miên, Ai Lao. 
Pháp phải điều quân (người Việt) ra chống đỡ. Trong các đơn vị này có nhiều cơ sở cách mạng đã gây dựng từ lâu. Số anh em này yêu cầu với Đảng cho khởi nghĩa "Thà chết cho cách mạng, còn hơn ra mặt trận làm bia đỡ đạn cho quân thù".
Đồng chí Phan Đăng Lưu báo cáo tình hình chuẩn bị khởi nghĩa ở Nam Kỳ, hội nghị Trung ương cho rằng chưa đủ điều kiện thời cơ nên tạm hoãn, chờ Trung Kỳ, Bắc Kỳ chuẩn bị sẽ đồng loạt nổ ra. Đồng chí Phan Đăng Lưu từ hội nghị Trung ương về tới Sài Gòn chưa gặp xứ ủy thì đã bị giặc bắt (22/11/1940).
Xứ ủy đã phát lệnh khởi nghĩa!
Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra, Sài Gòn là trung tâm quyết định cuộc khởi nghĩa nhưng lộ bí mật (do có nội gián). Thực dân Pháp tìm mọi cách chặn lại nên Sài Gòn không nổi dậy được, dù chuẩn bị rất tích cực và khẩn trương. Khởi nghĩa tại một số đô thị lớn khác cũng bị Pháp chặn đứng. 
Tuy nhiên, cuộc khởi nghĩa vẫn nổ ra với khí thế xung thiên ở hầu khắp các tỉnh thuộc Nam Kỳ - từ miền Đông đến miền Tây Nam Bộ: Ở Biên Hòa - Gia Định - Chợ Lớn - Tân An - Mỹ Tho - Bến Tre - Trà Vinh - Cần Thơ - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Rạch Giá.
Đặc biệt, cuộc khởi nghĩa nổ ra quyết liệt ở Hóc Môn - Bà Điểm (Gia Định), Cai Lậy, Châu Thành (Mỹ Tho), Vũng Liêm, Cầu Ngang, Tam Bình (Vĩnh Long). Một số nơi nông dân nổi dậy lập chính quyền cách mạng. 
Có những nơi chính quyền cách mạng tồn tại 40 ngày, tịch thu đất địa chủ chia cho nông dân nghèo, lập tòa án nhân dân xét xử, trừng trị những tên phản cách mạng. Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đông đảo nông dân tham gia với tinh thần chiến đấu ngoan cường, hy sinh anh dũng.
Riêng ở Bạc Liêu (nay là Cà Mau - Bạc Liêu), lệnh khởi nghĩa Nam Kỳ đến chậm, có kế hoạch nổi dậy ở ba khu vực trọng yếu của tỉnh. Cũng như tình hình chung, thực dân Pháp biết trước, ngăn chặn, nên cũng chỉ nổ ra cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai do Phan Ngọc Hiển lãnh đạo, chỉ huy lúc 21 giờ ngày 13/12/1940. 
Cuộc khởi nghĩa tiêu diệt tên chúa đảo Olivié chiếm đảo, thu vũ khí. Sau đó, đoàn quân khởi nghĩa Hòn Khoai dùng ca-nô về Rạch Gốc (xã Tân Ân) trừng trị bọn tề Tân Ân. Vì không phối hợp được, nên nghĩa quân vào rừng, không lương thực, không nước uống, kiệt sức, bị giặc bắt tại Khai Long ngày 22/12/1940. Ngày 27/7/1941, thực dân Pháp tử hình Phan Ngọc Hiển và 9 chiến sĩ Hòn Khoai.
Cùng với khởi nghĩa Bắc Sơn (27/9/1940) và khởi nghĩa Đô Lương (tháng 1/1941), khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940) tuy thất bại, nhưng đó là những tiếng pháo báo hiệu buổi bình minh của cuộc chiến đấu vũ trang chống quân thù xâm lược.
Ngày 14/4/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sắc lệnh tuyên dương "Đội quân khởi nghĩa Nam Bộ đã nổi lên chiến đấu oanh liệt với địch và đã biểu dương ý chí quật cường của dân tộc", đồng thời tặng Huân chương Quân công hạng nhất - Huân chương cao quý nhất - cho cuộc khởi nghĩa Nam Bộ./.
Phạm Văn Tri

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét